Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

7 bước tránh trang web lừa đảo


TTO - 7 bước sau từ các chuyên gia hãng bảo mật Kaspersky Lab có thể giúp bạn tránh các trang web lừa đảo đầy rẫy trên Internet hiện nay.

Website lừa đảo đầy rẫy trên mạng Internet luôn chực chờ biến bạn thành nạn nhân - Ảnh minh họa: Internet
1. Không nhấn chuột trực tiếp vào những liên kết (link) đáng nghi trên các trang web hoặc từ các nguồn không tin cậy qua email.
2. Nhập bằng tay (gõ thủ công) tất cả các địa chỉ tìm kiếm vào thanh địa chỉ trình duyệt (address bar).
3. Kiểm tra thanh địa chỉ ngay sau khi tải trang để đảm bảo đúng tên miền. Kiểm tra xem trang web có sử dụng một kết nối an toàn hay không (kết nối HTTPS).
4. Nếu nghi ngờ về tính xác thực của trang web, bạn không nên nhập thông tin cá nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
5. Để chắc chắn tính hợp pháp của trang web, hãy liên hệ các công ty thông qua trang web chính thức của nó.
6. Tránh nhập những dữ liệu nhạy cảm trong khi bạn đang sử dụng mạng Wi-Fi công cộng.

* Cần biết: Mẹo dùng Wi-Fi miễn phí an toàn hơn
7. Nên sử dụng một giải pháp bảo mật có chức năng chống lừa đảo. (anti-phishing)
Nadezhda Demidova, chuyên gia phân tích nội dung của Kaspersky Lab nhận xét: "Lừa đảo mạng là một cách khá đơn giản để dẫn dụ người dùng Internet cung cấp thông tin cá nhân và tài chính của họ. Những kẻ tấn công chỉ cần vài phút để tạo ra các liên kết lừa đảo và các trang web này thường chỉ hoạt động trong một vài giờ. Chiến lược của chúng là thiết kế sao cho các trang web này không bị danh tiếng xấu và không nằm trong cơ sở dữ liệu chống lừa đảo của các công ty bảo mật”.

ĐỨC THIỆN

Sẽ phạt nặng website bán hàng không đăng ký

Trước tình trạng “nở rộ” các sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó có không ít trang web lừa đảo, các cơ quan chức năng đang tìm cách siết lại việc quản lý. Cụ thể, tới đây tất cả trang web bán hàng, cung cấp dịch vụ thương mại nếu không đăng ký sẽ bị phạt nặng.
Bạn đọc phản ảnh với Tuổi Trẻ việc đặt mua điện thoại Samsung Galaxy S2 qua website nhưng nhận được điện thoại nhái do Trung Quốc sản xuấtẢnh: LÊ SƠN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh cho biết:
- Theo nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, sắp tới tất cả website bán hàng, website thương mại điện tử không đăng ký, thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng khi thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà chưa được xác nhận đăng ký theo quy định. Ngoài ra còn có thể đình chỉ hoạt động từ sáu tháng đến một năm, buộc thu hồi tên miền “vn” đối với những vi phạm tại các điều này.
Riêng đối với các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử sẽ bị xử phạt từ 40-50 triệu đồng, buộc tịch thu tang vật và đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ sáu tháng đến một năm. Chưa kể website vi phạm phải cải chính thông tin sai sự thật, bị thu hồi tên miền và nộp lại số tiền thu được bất hợp pháp từ các hành vi lừa đảo đó.
Kể từ khi nghị định 185 có hiệu lực vào ngày 1-1-2014 đến nay, sau hơn một tháng đã có rất nhiều thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đăng ký, thông báo với Bộ Công thương. Đến giữa tháng 2-2014 đã có 2.153 website thương mại điện tử bán hàng và 446 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tiến hành các thủ tục thông báo, đăng ký với Bộ Công thương.
* Gần đây chúng tôi có tiếp nhận khá nhiều trường hợp người tiêu dùng bị lừa đảo qua các website bán hàng. Cụ thể, người tiêu dùng trả tiền cho món hàng chất lượng nhưng nhận về hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi rơi vào trường hợp này họ phải kêu ai?
- Theo quy định, danh sách các website bị phản ảnh hoặc vi phạm sẽ được công bố trên cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn. Do vậy, khi phát hiện các hành vi vi phạm như lập website thương mại điện tử không theo quy định của pháp luật; vi phạm về giao kết hợp đồng; lừa đảo trong thanh toán; kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng và một số hành vi lừa đảo khác liên quan đến thông tin cung cấp trên website, người dân có thể gửi thông tin phản ảnh cho chúng tôi tại địa chỉ trên. Việc cung cấp các thông tin này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để tiến hành kiểm tra, từ đó góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, bản thân người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng khi tham gia mua sắm trực tuyến, nên tìm hiểu kỹ các thông tin về website cung cấp dịch vụ, tìm hiểu về sản phẩm, giá cả, chất lượng trước khi đặt lệnh giao dịch. Trước khi tham gia mua hàng trên các trang mạng nên đối chiếu các trang này có đăng ký với cơ quan nhà nước hay không. Vì cũng như hoạt động mua bán ngoài đời thường, nếu người dân cứ ham rẻ không vào các khu chợ có đăng ký hoạt động mua bán mà mua ở “chợ trời”, tức các website trôi nổi, thì rất khó được bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp.
* Hiện nay ngoài các trang thương mại điện tử thì các hình thức buôn bán hàng thông qua Internet như Facebook, các trang mạng cá nhân... cũng đang hoạt động nở rộ. Việc này sẽ được quản lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng?
- Trong năm 2014, Bộ Công thương sẽ tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết để điều chỉnh các hành vi thương mại điện tử đang diễn ra thông qua các hình thức mới. Đồng thời Cục Thương mại điện tử sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng phổ biến cho người dân biết và giao dịch trên những website thương mại điện tử đảm bảo; tránh những mô hình kinh doanh vi phạm pháp luật.
ĐÌNH DÂN thực hiện

Kiểm soát chất lượng hàng hóa mua bán online
Ông Phan Hoàn Kiếm - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết từ khi văn bản quản lý thương mại điện tử có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, đơn vị đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử để nắm danh sách các công ty đăng ký, hoạt động hợp pháp. Qua đó rà soát để kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa có đúng như doanh nghiệp công bố trên trang thông tin hay không. Hiện nay, các đối tượng sử dụng trang mạng để rao bán sản phẩm rất phổ biến, tuy nhiên phần lớn là những cá nhân hoặc tổ chức không đăng ký kinh doanh cũng như hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong đó, phổ biến là các mặt hàng điện tử, thậm chí có cả hàng cấm. Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong năm 2013 đơn vị kiểm tra và tịch thu hàng ngàn sản phẩm điện thoại di động cùng các linh kiện điện thoại nhập lậu, không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng.
LÊ SƠN

Các lỗi thường gặp khi doanh nghiệp thiết kế website

Không chỉ đơn thuần là việc lập ra một trang web, đưa chúng lên mạng Internet và xem đó là đã vận hành website. Nó sẽ thất bại, không đạt hiệu quả nếu không tránh được các lỗi thường gặp khi thiết kế website.

Website cần thu hút khách truy cập ngay từ lần "gặp gỡ" đầu tiên, và giữ chân họ với nội dung hấp dẫn - Ảnh minh họa: Entheosweb
Tiết kiệm hoặc chi ra quá mức cần thiết

Có khá nhiều công ty nhỏ đón nhận một bản thiết kế website thật kinh khủng vì đã cố gắng tiết kiệm chi phí, thuê một thiết kế web "giá rẻ" hoặc "kỳ kèo chi phí thiết kế". Song song đó, cũng không thiếu các công ty hào phóng quá mức cần thiết, thuê hẳn một đối tác "đắt đỏ" chuyên làm với các thương hiệu lớn, cho đến khi họ nhận ra đối tác đó không có những kỹ năng trợ giúp một doanh nghiệp nhỏ thường tập trung vào lợi tức đầu tư (ROI).
Ảnh minh họa: Internet
Lại một lần nữa, khâu khảo sát như đã nêu ở Phần 1 là điều cần thiết, dù bạn tạo dựng một website mới, hay tái phát triển website hiện có. Sau đó, dựa trên những yêu cầu từ bản khảo sát sẽ xác định bạn cần đầu tư bao nhiêu chi phí cho phần thiết kế website. Nếu tập trung khư khư vào chi phí đầu tư, có thể làm chệch hướng toàn bộ tiến trình xây dựng website.

Ấn tượng đầu tiên của khách hàng khi truy cập vào website sẽ lưu lại hình ảnh về doanh nghiệp. Đừng để khách hàng đánh giá doanh nghiệp qua một thiết kế website nghèo nàn, nội dung cũ rích.

Việc thuê một đồ họa viên thiết kế website (designer) làm việc tự do (freelance) hoặc một công ty phụ trách còn tùy thuộc vào quy mô dự án website doanh nghiệp (chỉ ở dạng tin tức - liên hệ, hay kinh doanh, thương mại điện tử, cung cấp nội dung tương tác...). Mỗi bên đều có điểm mạnh yếu khác nhau. Các doanh nghiệp thường lo ngại "không nắm được" freelancer (người làm tự do), tuy nhiên, cộng đồng đồ họa viên freelance hiện nay làm việc rất chuyên nghiệp, có kỹ năng tốt, chi phí thực hiện không cao so với thuê một công ty thiết kế. 

Nếu vẫn còn phân vân, một mẹo nhỏ để bạn dễ đưa ra chọn lựa là yêu cầu các bản phác họa thiết kế mẫu "đấu thầu" của một số bên tham gia, dựa trên yêu cầu cụ thể từ khảo sát do mình cung cấp. Yêu cầu doanh nghiệp đưa ra càng chi tiết, bên thiết kế càng dễ thực hiện chính xác. Các bên "đấu thầu" thật sự muốn nhận dự án sẽ có những thiết kế phác họa, tùy thuộc vào phong cách và triết lý thiết kế thuyết phục bạn hợp tác. Lưu ý không sử dụng các chi tiết của các bên "đấu thầu" không được chọn.
Tránh làm kẻ ngu ngơ!

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay ở Việt Nam bị một số đối tác "kê giá" khi yêu cầu phát triển một website. Thực chất, cá nhân hay công ty đó dùng một phiên bản phần mềm web mã nguồn mở (CMS) miễn phí sử dụng rất phổ biến như Joomla, Drupal, ExpressEngine hay WordPress, sau đó tải các gói giao diện miễn phí từ hàng trăm website cung cấp, hoặc mua gói giao diện chuyên nghiệp cho CMS đó với giá tầm 50 - 75 USD. Tuy cần cài đặt và hiệu chỉnh cho phù hợp nhưng thường chi phí doanh nghiệp phải trả bị đội lên từ 5 - 10 lần hoặc hơn.

Ảnh minh họa: Internet
Do đó, cần tham khảo kỹ lưỡng từ bảng báo giá của đối tác, hỏi về mã nguồn do bên họ tự phát triển hoặc sử dụng của bên thứ ba, tìm kiếm nguồn tư vấn từ chuyên gia. Các phần mềm web CMS mã nguồn mở mặc dù miễn phí nhưng chức năng rất chuyên nghiệp, có thể bổ sung nhiều module chức năng khác nhau, giao diện đa dạng. Vấn đề ở đây là tránh bị "lừa phỉnh" quá mức so với giá trị thực tế của bản thiết kế giao diện.

Không am hiểu, đừng chỉ đạo thiết kế!

Hãy để bộ phận chuyên môn làm công việc của họ. Nếu không thật sự am hiểu, bạn đừng nên tham gia chỉ đạo vào bản thiết kế website. Chỉ cần đưa ra những yêu cầu và định hướng hoạt động để designer thực hiện. Những chỉ đạo cảm tính, không rõ ràng, không dựa vào căn cứ nào sẽ chỉ giúp tạo ra một sản phẩm tệ hại.

Ảnh minh họa: Internet
Nội dung quá cũ, không cập nhật

Một website hấp dẫn và có hiệu quả phải được cập nhật thông tin mới nhất thường xuyên, từ thông tin sản phẩm của doanh nghiệp, các dịch vụ, cho đến danh sách ban giám đốc, những thông tin đi kèm khác sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp, uy tín và tạo dựng lòng tin đối với khách hàng truy cập vào website. 

Đối với các website mua bán trực tuyến, luôn cần tạo sự mới mẻ trên mặt trang bằng cách cập nhật cho sản phẩm, những thông tin bổ ích liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ doanh nghiệp đang cung cấp, từ blog của công ty chẳng hạn. Điều này cũng đưa khách truy cập đến website từ công cụ tìm kiếm. Phần liên hệ phải có đủ chi tiết để khách truy cập, hoặc khách hàng tìm đến doanh nghiệp, hay bộ phận hỗ trợ.

Hãy đặt mình vào trường hợp khách truy cập, khi xem một website hai lần trong khoảng thời gian và thấy vẫn như cũ, liệu bạn có muốn truy cập lần thứ ba?

Không tương thích với môi trường di động

Thảm họa cho một website nếu nó không hiển thị tốt trên các thiết bị di động. Trên các phương tiện truyền thông báo chí đều đã công bố rất nhiều số liệu về lượng truy cập website từ smartphone, tablet tăng rất cao so với lướt web từ PC truyền thống.
Giao diện website tự điều chỉnh tùy thuộc loại thiết bị người dùng sử dụng truy cập là xu hướng và yêu cầu bắt buộc với các website - Ảnh minh họa: Internet    
Không khó để thống kê khách truy cập vào website bằng loại thiết bị gì, PC hay mobile. Google Analytics phân tích rất chi tiết. Tùy thuộc vào lượng truy cập từ Mobile ít hay nhiều, bạn có thể quyết định tạo thêm một phiên bản mobile cho website hoặc một ứng dụng di động. Nếu chỉ ở mức thấp, doanh nghiệp chỉ cần thiết kế website tự chuyển đổi giao diện phù hợp (responsive) khi nhận diện truy cập từ smartphone, tránh tạo thêm phiên bản mobile.

Đây là yếu tố rất quan trọng cần đặt lên hàng đầu cho website doanh nghiệp theo xu hướng di động hóa hiện nay.

Kết hợp mạng xã hội

Đừng quên tận dụng sức mạnh mạng xã hội gia tăng tương tác với khách hàng hiện có và thu hút thêm khách hàng tiềm năng. Tạo dựng Facebook Fan Page vận hành song song với website là điều cần đưa vào kế hoạch ban đầu. Quảng bá qua các nội dung phù hợp (tránh đăng nội dung phản cảm gây hiệu ứng ngược) để hút lượng truy cập từ mạng xã hội về website.
Cuối cùng, hãy kiểm tra lại khi website hoàn tất, thử sử dụng như một khách truy cập để hiểu được trải nghiệm của họ khi xem website.
THANH TRỰC

Các lỗi thường gặp khi thiết kế website

TTO - Không chỉ đơn thuần là việc lập ra một trang web, đưa chúng lên mạng Internet và xem đó là đã vận hành website. Nó sẽ thất bại, không đạt hiệu quả nếu không tránh được các lỗi thường gặp khi thiết kế website.

Lập kế hoạch thiết kế website luôn là điều cần thiết nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động của website đó, nhất là đối với doanh nghiệp - Ảnh minh họa: Internet
Website không còn là điều xa lạ với người dùng Internet tại Việt Nam, là kênh cập nhật thông tin, giao lưu, giải trí thường xuyên. Đối với doanh nghiệp, website là cánh cửa quan trọng tiếp cận khách hàng, đối tác và thị trường. Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2012 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố, có 42% trong tổng số 3.193 doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xây dựng website trong năm 2012. 

Con số 3.193 doanh nghiệp khảo sát chiếm tỉ lệ ít ỏi so với tổng số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng tỉ lệ 42% là con số đáng chú ý, cho thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thật sự hiểu và đầu tư đúng cho website của mình. Chưa kể đến các website bị "bỏ hoang" không cập nhật thông tin thường xuyên sau khi trực tuyến.

Ngày nay, các website đóng nhiều vai trò và như một cổng thông tin (tin tức, nội dung, kinh doanh thương mại, liên hệ, quảng bá...) của các công ty, và là thành phần "phải có" được ưu tiên hàng đầu. Ở phạm vi là một doanh nghiệp nhỏ, website rất quan trọng cho việc quảng bá và xây dựng thương hiệu. Một sai lầm trong xây dựng website cũng có thể khiến các khách hàng tiềm năng và có giá trị quay lưng.

Để đáp ứng những mong muốn của các khách hàng tiềm năng khi tìm đến website công ty của bạn, cần đảm bảo cung cấp đủ những thông tin, nội dung và trải nghiệm phù hợp. Website bỏ nhiều chi phí thiết kế nhưng không có bước đi đúng sẽ không chỉ mất chi phí mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh công ty và các nguồn lợi khác.

Bài viết không mô tả các tiến trình phát triển website, chỉ tập trung vào các lỗi thường gặp cần tránh khi thiết kế một website doanh nghiệp vừa và nhỏ.

1) Bỏ qua đối tượng mục tiêu
Tương tự khi xây dựng sản phẩm, dịch vụ, bạn cần nhắm đến đối tượng khách hàng mục tiêu khi phát triển website. Khảo sát luôn là điều cần thiết, và các liệt kê, khoanh vùng thị trường mà bạn muốn hướng tới, website sẽ được tối ưu phù hợp hơn cho nhu cầu của đối tượng khách hàng mục tiêu.
Nhắm đến đối tượng khách hàng mục tiêu sẽ gia tăng tỉ lệ thành công cho một website doanh nghiệp - Ảnh: Internet
Một ví dụ, nếu website về thời trang, phục vụ cho quý cô tuổi từ 18-30, bạn cần chú trọng chọn màu sắc và hình ảnh trẻ trung, tương thích với duyệt web trên thiết bị di động. Khi website hướng tới đối tượng lớn tuổi hơn, kích cỡ font chữ cần lớn hơn, chú trọng vào những thao tác trải nghiệm khi lướt web dễ dàng hơn.

Do đó, khảo sát đối tượng mục tiêu là cần thiết, và không nên nhắm đến tất cả. Khi muốn làm hài lòng tất cả mọi người, bạn sẽ không làm hài lòng ai cả. 

Một mẹo khác khi bạn không thực hiện khảo sát ban đầu, hãy thống kê và theo dõi lượng truy cập vào website đang có, khảo sát lại những khách truy cập thực sự ở độ tuổi nào, giới tính, trình duyệt web, vùng miền, thói quen lướt trên website... để điều chỉnh lại giao diện, hoạt động của website. Có nhiều công cụ thống kê và phân tích lượng truy cập, Google Analytics miễn phí và rất hữu dụng.
Website có thiết kế quá mức cần thiết

Một website động trên nền flash, hình ảnh chớp nhoáng trên nền nhạc ấn tượng thật sự không ấn tượng hay tạo được hiệu quả marketing cho website của bạn. Khách truy cập ngày nay không còn dễ tính dành thời gian ngồi xem tất cả những chuyển động đồ họa đó, họ chỉ dành vài giây, và chỉ vài giây để xem nhanh thông tin cần thiết. Cần đảm bảo họ có được đầy đủ thông tin cần thiết từ website của mình trong vài giây đó, giúp họ thật sự thoải mái, dễ tìm đến nội dung mình cần.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, khi một khách truy cập đến với website công ty của bạn, họ có thể đã biết điều họ cần xem và có thể thoát bất cứ lúc nào. Do đó, đừng bắt họ phải tìm kiếm quá nhiều, ta cứ tạm gọi "hãy dâng tận miệng".

2) Khách truy cập sẽ làm gì kế tiếp?

Một khách truy cập vào website thì đó cũng là một khách hàng tiềm năng của công ty. Nhưng bạn có xác định rõ được điều quan trọng: bạn muốn họ làm gì kế tiếp sau khi họ vào trang chủ website? Mua hàng, liên hệ, đăng ký nhận thư điện tử cập nhật (newsletter) hay điều gì?

Trả lời được câu hỏi trên, bạn sẽ hướng khách hàng tiềm năng theo đó. Cần xác định hành động diễn ra ngay lập tức trên trang chủ hoặc trên các trang của một website. Họ sẽ làm gì kế tiếp sau khi xem trang chủ hay một trang trên website?

Hết thời UX dở vẫn sống tốt

TTO - Giao diện (UI) hấp dẫn người dùng, nhưng trải nghiệm (UX) thú vị mới giữ chân họ. Vậy UX là gì?

UX thể hiện trên ứng dụng di động qua sự thuận tiện khi người dùng thao tác trên nó - Ảnh minh họa: AppSee
Và làm thế nào để sử dụng UX một cách hiệu quả, làm ra những UX tốt? Những vấn đề liên quan đến UX đã được các diễn giả trong sự kiện Topica Founder Institute tổ chức “Đã hết thời UX dở vẫn sống tốt, xu hướng UX 2014?”, qua đó cho thấy tầm quan trọng của UX trong các sản phẩm công nghệ hiện nay, đặc biệt là ứng dụng di động và website.
Trong lĩnh vực sáng tạo và công nghệ hiện nay, thuật ngữ UI và UX đang được sử dụng nhiều hơn bao giờ hết. Bài viết được thực hiện bởi Topica Founder Institute, chia sẻ cùng Nhịp Sống Số, cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về UX và mức độ quan trọng của UX đối với một sản phẩm công nghệ.
UX là gì?
UX – hay còn gọi là trải nghiệm người dùng (User experience) - là cách mà người dùng cảm nhận về một sản phẩm cụ thể, cách họ sử dụng sản phẩm đó.
Người làm về UX gọi là UX Designer. Họ là những người nghiên cứu và đánh giá về thói quen, cách mà một người khách hàng sử dụng và cảm nhận về 1 hệ thống (Sử dụng hệ thống thông qua UI). Sử dụng và cảm nhận ở đây đơn giản là những vấn đề như tính dễ sử dụng, sự tiện ích, tính hiệu quả khi sản phẩm hoạt động.
Thao tác lướt ngang, quẹt dọc trên ứng dụng di động là "trải nghiệm người dùng" hay gọi tắt là UX - Ảnh minh họa: Internet
Theo anh Bùi Trường Sơn, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Felix, một sản phẩm có UX tốt là một sản phẩm mà mọi thứ đều phải “tự nhiên”, có nghĩa là thuận tiện và thân thiện với người dùng, sao cho người dùng có thể tự nhiên hiểu cách sử dụng sản phẩm, tự mày mò được cách dùng.
Anh Sơn cho rằng, tự nhiên là khi người dùng không có nhiều kiến thức, họ dùng sản phẩm theo thói quen mà vẫn đúng với những gì họ mong đợi. Ví dụ như trước đây, người dùng Việt Nam quen dùng Nokia, bấm nút trên cùng bên trái khi muốn lựa chọn hoặc đồng ý và bấm nút bên phải khi muốn xóa hoặc thoát ra. Vì vậy, ĐTDĐ của Sony Ericsson có thiết kế nút bấm ngược với Nokia, khiến nhiều người dùng Việt Nam khó khăn khi họ muốn chọn, thì điện thoại lại bắt họ thoát ra.
Khi mọi thứ trên trang web hay ứng dụng diễn ra tự nhiên, một người dùng thông thường không gặp phải trở ngại gì khi dùng chúng, thì quá trình từ sử dụng sản phẩm thường xuyên và từ đó trở thành thói quen của khách hàng cũng diễn ra rất tự nhiên.
Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của các loại thiết bị khác nhau, người làm UX cũng cần lưu ý để sản phẩm của mình thân thiện với các loại trình duyệt, các hệ điều hành trên các loại thiết bị khác nhau.
UX tại Việt Nam
Tại Việt Nam, thói quen sử dụng UX của các nhà phát triển web hiện vẫn còn gặp rất nhiều lỗi như: quá “tham” khi đưa nhiều chức năng, nhiều tiểu tiết vào giao diện game hoặc trang web, như kết nối 3G hay dung lượng file cài đặt, hay bỏ sót các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng, hoặc làm việc đơn lẻ thay vì tập hợp thành nhóm…
Anh Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc mWork cho rằng một sản phẩm không cần quá nhiều chức năng để giải quyết nhu cầu đơn giản của người dùng, càng tối giản càng tốt.
Một trang web có quá nhiều lựa chọn trên giao diện cũng như một cửa hàng có quá nhiều món ăn, đều bắt người dùng phải suy nghĩ để lựa chọn, trong khi nhu cầu của khách hàng lại rất đơn giản. Vì vậy, chỉ nên tập trung vào đúng những gì khách hàng cần và đừng bắt họ phải suy nghĩ hay mất tập trung bởi những tiểu tiết không đáng có.
Tương tự, anh Anh Bùi Trường Sơn cho rằng việc có quá nhiều chức năng, nhiều nút điều hướng trên giao diện trang web hay ứng dụng khiến khách hàng có cảm giác giống như đưa họ vào một nhà hàng lạ, giao cho họ nhiệm vụ gọi món với một thực đơn dày 4-5 trang, mỗi trang gồm 20 món.
Anh Nguyễn Văn Vũ, giám đốc kỹ thuật Appota cho rằng điểm yếu của các nhà lập trình Việt là thay vì tụ hợp thành nhóm thì họ thường làm việc một cách đơn lẻ. Cùng quan điểm với anh Vũ, anh Sơn cũng cho rằng việc các nhà lập trình Việt nghĩ rằng một mình có thể làm ra sản phẩm đứng đầu thế giới là một sai lầm. Nhất là sau thành công của Flappy Bird, số lượng lập trình viên ủ mộng tạo ra sản phẩm đứng đầu thế giới càng ngày càng tăng.
Flappy Bird: UX xuất sắc
Về sản phẩm, Flappy Bird là một sản phẩm rất xuất sắc về UX, và cũng là một bài học điển hình cho các nhà lập trình game. Phân tích kỹ thì sẽ thấy dường như mọi giai đoạn trong việc trải nghiệm Flappy Bird đều được tính toán rất kỹ lưỡng.
Chơi Flappy Bird trên smartphone - Ảnh: AFP/Getty Images
Mọi việc bắt đầu khi bạn nghe thấy âm thanh từ điện thoại của người chơi bên cạnh. Tò mò xem thử thì phát hiện ra trò này rất đơn giản. Chưa từng có trò chơi nào đơn giản như vậy: 1 hoạt cảnh duy nhất, 1 nhân vật duy nhất, 1 tiếng động duy nhất và 1 hành động duy nhất để chơi. Bạn chỉ việc gõ, gõ vào đâu cũng được, không cần cân nhắc trái hay phải màn hình làm gì, bạn gõ vào ống nước hay vào chính con chim thì nó đều bay.
Sau đó, bạn muốn thử nên hỏi người bên cạnh tên trò chơi và dễ dàng tìm ra nó vì “flappy” là một từ “độc nhất vô nhị”, không có trong từ điển nên chỉ cần gõ là sẽ tìm ra ngay. Thời gian để tải về cũng chỉ mất 10 giây, vì trò chơi này chỉ nặng 700 kB. Như vậy, quá trình nghe thấy, nhìn thấy người khác chơi và tải về để chơi thử chỉ chưa đến 30 giây. Flappy Bird không cần tốn tiền để tiếp thị mà chính nó sẽ lan truyền offline một cách nhanh chóng.
Vì vậy, sự thành công của Flappy Bird, không phải là một sự ăn may mà được tính toán rất kỹ càng đến từng khâu trong trải nghiệm của người dùng. Và từ câu chuyện của Flappy Bird, anh Sơn cũng mong muốn các nhà lập trình Việt nên cân nhắc thật kỹ khi quyết định một mình phát triển sản phẩm.
TOPICA FOUNDER INSTITUTE

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Internet lớn cỡ nào?


* Việt Nam đứng thứ 14/20 quốc gia Internet

TTO - Internet có bao nhiêu website? Hiện có bao nhiêu người dùng Internet? Và Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ mạng toàn cầu?


Mạng Internet sẽ sớm phát triển mạnh hơn nữa theo xu hướng Internet of Things (IoT), mọi vật đều kết nối Internet - Ảnh minh họa: Google Images
Internet: quốc gia đông dân nhất
Số liệu từ ITU, Internet Live Stats và World Bank Group cho thấy, đến 1-7-2014, số người dùng Internet trên toàn cầu ở mức 2.944.5xx.xxx (gần 3 tỉ), và tiếp tục tăng nhanh mỗi giây. Con số này tương đương 40% dân số toàn cầu, so với 1% vào năm 1995, tăng 200 triệu so với năm 2013 (2,7 tỉ).
Người dùng Internet tăng trưởng theo năm (tính đến 1-7-2014) - Nguồn: Internet Live Stats
Trong đó, châu Á đang là khu vực có lượng người dùng Internet đông đảo nhất, 1,3 tỉ người (48,4%), kế đến là châu Mỹ (21,8%, 596 triệu), châu Âu (19%, 520 triệu) và châu Phi (9,8%, 268 triệu).
Người dùng Internet phân chia theo khu vực - Nguồn: Internet Live Stats
75% tổng lượng người dùng Internet (2,1 tỉ) thuộc 20 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, Nga, Đức. Đáng chú ý, có đến 67 triệu người dân Nigeria truy cập Internet, nhiều hơn lượng người dùng Internet tại Anh quốc (57 triệu) và Pháp (55 triệu).

Việt Nam đứng thứ 14/20 quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất thế giới, với 40 triệu người dân truy cập Internet qua PC, Smart TV, thiết bị di động (smartphone, tablet), điện thoại di động..., tăng trưởng 9% theo năm (36 triệu trong năm 2013), chiếm 42,97% dân số. Trong 14 năm qua kể từ khi Internet bắt đầu có mặt tại Việt Nam từ năm 2000, số người dùng đã tăng vọt từ 205 ngàn năm 2000 lên 40 triệu tính đến tháng 7-2014.

Họ làm gì trên Internet?
- Tải file: mọi người đều thích tải file như nhạc, phim, hình ảnh, dữ liệu hay ứng dụng (app) trong thời đại di động bùng nổ như hiện nay. Do đó, tải (download) là một trong những hoạt động phổ biến nhất của người dùng Internet hiện nay. Trên môi trường di động, Android có hơn 83 triệu lượt tải ứng dụng mỗi ngày, so với 50 triệu từ iOS và 4 triệu ứng dụng Windows (nguồn: TheNextWeb).
- Email: phương thức liên lạc không thể thiếu, và mỗi ngày có 144,8 tỉ email gửi đi. Trong đó, 89 tỉ email giao thương và 55,8 tỉ email cá nhân (theo Mashable). Chưa bao gồm thư rác (spam) chiếm phần lớn lượng email liên lạc mỗi ngày.
- Tìm kiếm: những thông tin về sản phẩm, nhân vật, sự kiện... Người dùng Internet luôn tìm mọi điều họ thích. Tính riêng với Google Search, mỗi ngày có đến 5,92 tỉ lượt tìm kiếm (theo Statisticbrain).
- Mạng xã hội: và Facebook chiếm hầu hết thời gian của người dùng Internet. Có đến 1,23 tỉ người dùng hằng tháng, và mỗi ngày có đến 757 triệu người đăng nhập (FB.com).
Trào lưu sử dụng thiết bị di động lướt Internet khiến lượng dữ liệu Internet tăng mạnh hơn bao giờ hết - Ảnh minh họa: Google Images
- Mua sắm: ngành thương mại điện tử phát triển vượt bậc trong những năm trở lại đây. Tính riêng tại Mỹ, người dân tiêu 717 triệu USD mỗi ngày để mua sắm trực tuyến trong năm 2013. Hết Q1-2014, ngành bán lẻ trực tuyến Mỹ thu về 71,2 tỉ USD, tăng 15% cùng kỳ năm ngoái (Nguồn: Census.gov).





















Internet có bao nhiêu website và tên miền?

Đến cuối năm 2013, tổng số website ở mức 759 triệu, trong đó, 510 triệu website đang "sống" (hoạt động). Riêng năm 2013 có thêm 103 triệu website mới. 43% của nhóm 1 triệu website hàng đầu được lưu trữ (hosting) tại Mỹ, và 48% của 100 blog/website hàng đầu chạy trên phần mềm WordPress.
14,3 ngàn tỉ trang web đang hoạt động trên Internet. Google lập chỉ mục (Index) được 48 tỉ, và công cụ tìm kiếm Microsoft Bing chỉ mục 14 tỉ.

Tổng lượng dữ liệu Internet 2013 vào khoảng 672 Exabyte (672 tỉ GB). Lưu lượng dữ liệu (traffic) trao đổi trên mạng Internet năm 2013 là 43.639 Petabyte. Năm 2014, lượng dữ liệu (data) web do Google đánh chỉ mục lên đến 200 TB (204.800 GB), và con số này ước tính chỉ ở mức 0,004% tổng lượng dữ liệu Internet.

Tên miền website (domain) cũng là điều thú vị, khi tổ chức ICANN tuyên bố "giải phóng" tên miền Internet, cho phép đăng ký tự do nhiều định dạng tên miền như .guru, .mobi, .nyc (New York)... Theo số liệu FactsHunt.com, hiện có 132,21 triệu tên miền .com, 328 triệu tên miền đăng ký trong năm 2013.
Tổng số tên miền web đến cuối năm 2013 là 1.193 triệu tên miền (TLD, ccTLD...). GoDaddy là nhà cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền lớn nhất thế giới, nắm 35,24% tên miền.

THANH TRỰC
(Nguồn: Internet Live Stats, ITU, FactsHunt, WebsiteMagazine)